Công ước Công_ước_xoá_bỏ_mọi_hình_thức_phân_biệt_đối_xử_với_phụ_nữ

Tóm lược

Công ước CEDAW có cấu trúc tương tự Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, "cả về phạm vi nghĩa vụ thực chất và các cơ chế giám sát quốc tế của công ước".[4] Công ước được cấu trúc thành sáu phần với tổng số 30 điều.[5]

  • Phần I (Điều 1-6) tập trung vào nguyên tắc không phân biệt đối xử, định kiến giới và buôn bán tình dục.
  • Phần II (Điều 7-9) quy định về các quyền của phụ nữ trong đời sống công với sự nhấn mạnh vào đời sống chính trị, sự đại diện và quyền có quốc tịch của phụ nữ.
  • Phần III (Điều 10-14) mô tả các quyền kinh tế và xã hội của phụ nữ, đặc biệt tập trung vào giáo dục, việc làm và sức khỏe. Phần III cũng bao gồm các biện pháp đặc biệt để bảo vệ phụ nữ nông thôn và giải quyết các vấn đề mà phụ nữ nông thôn gặp phải.
  • Phần IV (Điều 15 và 16) đề cập đến quyền bình đẳng của phụ nữ trong đời sống hôn nhân và gia đình cùng với quyền bình đẳng trước pháp luật.
  • Phần V (Điều 17-22) quy định việc thành lập Ủy ban về xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ cũng như thủ tục báo cáo của các quốc gia thành viên.
  • Phần VI (Điều 23-30) nhấn mạnh tác động của Công ước đối với các điều ước khác, cam kết của các quốc gia thành viên và thủ tục của Công ước.

Các điều khoản chính

Điều 1 định nghĩa phân biệt đối xử với phụ nữ theo cách:

Phân biệt đối xử với phụ nữ có nghĩa là bất kỳ sự phân biệt, loại trừ hay hạn chế nào dựa trên cơ sở giới tính làm ảnh hưởng hoặc nhằm mục đích làm tổn hại hoặc vô hiệu hoá việc phụ nữ được công nhận, thụ hưởng, hay thực hiện các quyền con người và những tự do cơ bản trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, dân sự và các lĩnh vực khác trên cơ sở bình đẳng nam nữ bất kể tình trạng hôn nhân của họ như thế nào.[5]

Điều 2 yêu cầu các quốc gia thành viên của Công ước tuyên bố nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong luật pháp của quốc gia, bãi bỏ tất cả các điều khoản phân biệt đối xử trong luật pháp của họ và bổ sung các quy định mới để chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ.[5] Các quốc gia thành viên của Công ước cũng phải thành lập các tòa án và các thiết chế công để bảo đảm cho phụ nữ được bảo vệ một cách hiệu quả nhằm chống phân biệt đối xử và thực hiện các bước để loại bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Điều 3 yêu cầu các quốc gia thành viên bảo đảm các quyền và quyền tự do cơ bản của phụ nữ "trên cơ sở bình đẳng với nam giới" trong "các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa".[5]

Điều 4 lưu ý rằng "việc thông qua... các biện pháp đặc biệt tạm thời nhằm thúc đẩy bình đẳng thực chất giữa nam và nữ sẽ không bị coi là phân biệt đối xử". Điều 4 nói thêm rằng việc bảo vệ đặc biệt cho vấn đề thai sản không được coi là phân biệt đối xử trên cơ sở gì.[5]

Điều 5 yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp nhằm xóa bỏ định kiến và phong tục cho rằng sự thấp kém hoặc ưu việt của một giới tính hoặc về vai trò rập khuôn của nam giới và phụ nữ.[5] Điều 5 cũng yêu cầu các quốc gia thành viên "[bảo đảm... sự công nhận trách nhiệm chung của nam giới và phụ nữ trong việc nuôi dưỡng và phát triển con cái."

Điều 6 bắt buộc các quốc gia thành viên "thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp, bao gồm cả biện pháp pháp luật, để loại bỏ mọi hình thức buôn bán phụ nữ và bóc lột mại dâm đối với phụ nữ".[5]

Điều 7 đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ trong đời sống chính trị và công cộng, tập trung vào sự bình đẳng trong bầu cử, tham gia chính phủ và tham gia vào "các tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội liên quan đến đời sống công cộng và chính trị của đất nước".[5]

Điều 8 quy định rằng các quốc gia thành viên sẽ bảo đảm cho phụ nữ "có cơ hội đại diện cho Chính phủ của họ ở cấp quốc tế và tham gia vào công việc của các tổ chức quốc tế ".[5]

Điều 9 bắt buộc các quốc gia thành viên "bảo đảm cho phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới để có quốc tịch, thay đổi hoặc giữ quốc tịch của họ" và quyền bình đẳng với nam giới trong vấn đề "quốc tịch của con cái".[5]

Điều 10 đòi hỏi cơ hội bình đẳng trong giáo dục cho nữ sinh viên và khuyến khích các hình thức giáo dục khác nhau. Nhà nước phải bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận với các môn thể thao, học bổng và trợ cấp cũng như yêu cầu "giảm tỷ lệ bỏ học của nữ sinh." [5]

Điều 11 nêu ra quyền việc làm đối với phụ nữ là " quyền không thể chối bỏ của tất cả mọi người". Điều 11 yêu cầu phải trả công bằng cho mọi công việc như nhau, quyền hưởng an sinh xã hội, nghỉ người được trả lương và nghỉ thai sản " qua việc trả lương hoặc hưởng các phúc lợi xã hội tương đương mà không mất việc làm trước đây, thâm niên hoặc trợ cấp xã hội". Việc sa thải với lý do thai sản, mang thai hoặc tình trạng hôn nhân sẽ bị cấm cùng với hình thức xử phạt.[5]

Điều 12 yêu cầu nghĩa vụ của các quốc gia thành viên "thực hiện mọi biện pháp thích hợp để loại bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhằm đảm bảo phụ nữ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả những biện pháp liên quan đến kế hoạch hóa gia đình ".[5]

Điều 13 bảo đảm bình đẳng cho phụ nữ "trong đời sống kinh tế và xã hội", đặc biệt là "quyền lợi gia đình, quyền vay ngân hàng, thế chấp và các hình thức tín dụng tài chính khác, và quyền tham gia các hoạt động giải trí, thể thao và tất cả các khía cạnh của đời sống văn hóa." [5]

Điều 14 đưa ra các biện pháp bảo vệ cho phụ nữ nông thôn và các vấn đề đặc biệt của họ, bảo đảm quyền của phụ nữ tham gia vào các chương trình phát triển, "tiếp cận với các phương tiện chăm sóc sức khỏe đầy đủ", "tham gia vào tất cả các hoạt động cộng đồng", "tiếp cận với tín dụng nông nghiệp" "và" thụ hưởng các điều kiện sống đầy đủ." [5]

Điều 15 bắt buộc các quốc gia phải bảo đảm "quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới trước pháp luật", bao gồm "việc có năng lực pháp lý ngang với nam giới". Nó cũng quy định "bảo đảm các quyền ngang nhau đối với nam giới và phụ nữ bao gồm các quy định pháp luật liên quan đến quyền tự do đi lại, tự do cư trú và nơi cư trú của họ." [5]

Điều 16 nghiêm cấm "phân biệt đối xử với phụ nữ trong mọi vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình". Đặc biệt, bảo đảm cho nam giới và phụ nữ "có quyền ngang nhau trong việc kết hôn, có quyền tự do lựa chọn người phối ngẫu", "quyền và trách nhiệm ngang nhau trong hôn nhân và khi li hôn", "quyền và trách nhiệm ngang nhau với vai trò là cha mẹ", "các quyền ngang nhau đối với việc quyết định số con và khoảng cách sinh một cách tự do và có trách nhiệm", "vợ chồng có quyền như nhau trong việc lựa chọn tên họ, chuyên môn và nghề nghiệp của mình", "quyền ngang nhau giữa các cặp đôi phối ngẫu đối với việc sở hữu, mua bán, quản lý, điều hành, thụ hưởng và định đoạt tài sản, cho dù tài sản không phải bỏ tiền ra mua hay có giá trị lớn." [5]

Các điều từ 17 - 24 Những điều khoản này nói về các thành viên và thủ tục của Ủy ban CEDAW, như cơ cấu, các nguyên tắc và quy định về thủ tục mang tính hệ thống về mối quan hệ giữa Công ước CEDAW với luật pháp quốc gia và quốc tế và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải thực hiện tất cả các bước cần thiết để thực hiện CEDAW một cách đầy đủ.[6]

Các điều từ 25 - 30 (Thủ tục hành chính của CEDAW)

Những điều khoản này nói về các thủ tục hành chính chung liên quan đến việc thực thi CEDAW, phê chuẩn và bảo lưu của các quốc gia liên quan.[6]